Tin tức chung

SolarBK: Khát vọng năng lượng mặt trời

Đăng ngày 06/02/2022

15 năm gắn bó với lĩnh vực năng lượng sạch đã đưa SolarBK đến với các cơ hội mới: hoàn thiện chuỗi giá trị trong ngành công nghiệp điện mặt trời.

CEO
Ông Nguyễn Dương Tuấn - đồng sáng lập và CEO SolarBK. Ảnh Danny Bách

Năm 2008, khi khái niệm năng lượng tái tạo vẫn còn xa lạ tại Việt Nam, SolarBK bắt đầu công trình chiếu sáng quần đảo Trường Sa kết hợp điện gió và điện mặt trời với 48 điểm lắp đặt cho công suất 8,5MW. Một công trình có ý nghĩa lớn về giải pháp nghiên cứu, quy mô, độ khó thi công lẫn bảo dưỡng bảo trì đã giúp họ được vinh danh giải thưởng Năng lượng Toàn cầu (Energy Globe Awards) năm 2012. Hệ thống lọc nước biển bằng năng lượng sạch trên đảo Song Tử Tây tiếp tục giúp SolarBK giành giải thưởng Năng lượng Toàn cầu 2016

Năm 2020, các nhà làm điện mặt trời chạy đua hoàn thành dự án để kịp hưởng giá FiT2. Dịch bệnh khiến chuỗi cung ứng đứt gãy, các nhà cung cấp tấm pin trở nên lợi thế trước các nhà đầu tư khác, SolarBK nằm trong số đó. Nhà máy IREX công suất 350MW/năm của họ tại Phú Mỹ 1 đã chạy liên tục 24/7 với hơn 120% công suất. Lần đầu tiên SolarBK bán tấm pin và cung ứng giải pháp cho các nhà đầu tư khác tại Việt Nam, trước đó là một phần trong giải pháp của công ty, còn lại chủ yếu xuất khẩu.

“Sau tất cả những nỗ lực chờ đợi chính sách năng lượng sạch, cũng đến thời điểm bứt phá,” ông Nguyễn Dương Tuấn, đồng sáng lập và CEO công ty Đầu tư – Phát triển Năng lượng Mặt trời Bách Khoa (SolarBK) chia sẻ với Forbes Việt Nam.

Khác với các doanh nghiệp gia nhập thị trường sau chính sách 2017 khuyến khích năng lượng tái tạo, các nhà phát triển dự án lẫn đầu tư tài chính nhập cuộc thần tốc, trong vài năm vận hành những trang trại điện mặt trời hàng trăm megawatt, SolarBK vẫn nhất quán với lựa chọn: điện mặt trời mái nhà đi liền với các khách hàng sử dụng trực tiếp, đặc biệt các hộ gia đình.

Trong lúc nhiều dự án bị kẹt khi FiT 2 khép lại thì năm 2021 mở ra cho SolarBK những thành quả quan trọng trong lịch sử hoạt động. Các dự án đã ký tăng ba lần năm trước, trong bốn tháng cuối năm triển khai thêm 20MW, đưa công suất mảng SolarESCOs (đầu tư tài chính và quản lý năng lượng) và EPC (thi công vận hành) lên hơn 54MW và đưa tổng công suất cung cấp cho thị trường lên hơn 340MW.

Sau dự án hợp tác đầu tiên với Vingroup tại Vincom Đà Nẵng năm 2017 chứng minh hiệu quả vận hành đã giúp SolarBK giành quyền lắp đặt cho 50 trung tâm Vincom mang về 14MW. Chuỗi dự án lắp đặt cho tập đoàn Điện lực Việt Nam và các công ty thành viên thêm công suất 6,3MW….
 

Nha may san xuat pin irex
Bên trong nhà máy sản xuất tấm pin IREX. Ảnh: SolarBK

Nguyễn Dương Tuấn sinh năm 1976tốt nghiệp ngành điện tử viễn thông đại học Bách khoa TP.HCM năm 1999 và ở lại trường nghiên cứu, sau đó nhận học bổng sang Canada và ở lại làm việc. Bố mẹ ông, là hai chuyên gia Nguyễn Hữu Hùng và Dương Thị Thanh Lương có nhiều chục năm nghiên cứu về năng lượng sạch.

Họ thực hiện nhiều dự án đo đạc, phân tích thông số nắng, gió, thử nghiệm các thiết bị nhiệt, các động cơ điện công suất nhỏ chạy ắc-quy đưa điện đến hộ dân ở các làng chài hay đảo nhỏ. Những năm 2000, ở Việt Nam khái niệm năng lượng sạch vẫn chưa phổ cập khiến nghiên cứu của họ dừng ở ý tưởng hoặc thử nghiệm, chưa thể thương mại hóa bởi thị trường chưa có nhu cầu thật sự về tiết kiệm năng lượng.

Những thước phim từ thời sinh viên theo bố mẹ đến khắp các công trình ghi lại khiến ông Tuấn luôn trăn trở và tiếc nuối: “Mình là nhân chứng của bố mẹ cả giai đoạn dài, chẳng lẽ bỏ hết thành quả nghiên cứu?” Sinh sống và làm việc ở nước ngoài giúp ông Tuấn thấy rõ cách năng lượng sạch đi vào đời sống hàng ngày, có thể học hỏi những mô hình, ứng dụng trên thế giới và điều chỉnh phù hợp.

“Tôi cảm nhận thời điểm gần lắm rồi dù chưa biết khi nào Việt Nam có chính sách hỗ trợ năng lượng sạch, nhưng sớm hay muộn thị trường cũng hình thành” – niềm tin này đã thôi thúc ông đi về giữa Việt Nam và Canada tính toán nghiên cứu sâu để triển khai thực tiễn.

Năm 2006, SolarBK được thành lập, đến nay là doanh nghiệp hiếm hoi khởi nghiệp và hoạt động bền bỉ trong lĩnh vực năng lượng sạch. Bà Lương tiếp tục là người cố vấn và dẫn dắt đội ngũ nghiên cứu phát triển của SolarBK.

Ông Tuấn kể ban đầu khá bối rối về con đường phát triển vì nếu chọn sản xuất thì thiếu máy móc dây chuyền; chọn động cơ gió – loại dự án được chính phủ tài trợ mới làm nổi trong khi SolarBK mới chân ướt chân ráo bước vào thị trường. Nếu chọn pin mặt trời thì đắt đỏ, giá thành cao cũng khó trụ vững.

“Chúng tôi quyết định dựa vào những gì mình giỏi nhất, ‘dân Bách khoa’ thì lợi thế là thiết kế và quy chuẩn kỹ thuật, vì vậy tập trung vào mảng máy nước nóng năng lượng mặt trời với nhiều hộ dân cần đến là hợp lý nhất lúc đó,” ông Tuấn nhớ lại.
 

CEO
Ông Nguyễn Dương Tuấn, đồng sáng lập & CEO SolarBK, tại nhà máy sản xuất tấm pin IREX ở KCN Phú Mỹ 1, Bà Rịa — Vũng Tàu. Ảnh: Danny Bach

Mảng nước nóng năng lượng mặt trời (mảng nhiệt) của SolarBK ngày nay gần như không đối thủ với những dự án công nghiệp quy mô lớn như Melia Yangon (47.500 kWp) tòa nhà H.U.D (36.000 kWp), khách sạn Majestic (27.000 kWp), nhà máy Vinamilk (19.000 kWp), bệnh viện Từ Dũ (16.000 kWp), Becamex Bình Dương, Caseamex Cần Thơ (18.000 kWp)…

SolarBK cũng là đơn vị đầu tiên cam kết tiết kiệm 60% năng lượng cho khối khách hàng này từ năm 2013. Ông Tuấn nói, đầu tư máy nước nóng rẻ hơn điện mặt trời, hiệu suất năng lượng nhiệt mặt trời cao hơn điện trong khi nhu cầu ngày càng gia tăng.

Chính vì vậy trong cơn chạy đua điện gió và điện mặt trời những năm qua, mảng này vẫn giữ vị thế quan trọng và được SolarBK tiếp tục đẩy mạnh để giữ vững lợi thế. “Chúng tôi theo đó định vị thương hiệu ‘điện nước đầy đủ’,” ông Tuấn cười.

Với tổng công suất hơn 340MW cung cấp trên thị trường ở hai mảng điện và nhiệt, SolarBK là nhà cung cấp lớn nhất cho phân khúc tiêu dùng với dải khách hàng rộng: gần 10 ngàn cả trong và ngoài nước. Riêng khối khách hàng SolarESCO và EPC hiện cung cấp gần 54MW, cũng nằm trong nhóm những nhà đầu tư có công suất hàng đầu thị trường. SolarBK bắt đầu đi cùng đối tác Coteccons để vào các khu đô thị lớn cung cấp cả hai hệ thống điện và nhiệt. “Bất động sản ngày càng cạnh tranh trên cả dự án lẫn môi trường, cần nền tảng xử lý thông minh giúp giảm phát thải CO2 nên chúng tôi tái định vị cho các nền tảng lớn,” ông Tuấn chia sẻ.

Họ là đơn vị đầu tiên giới thiệu hệ thống giám sát năng lượng thông minh từ xa SSOC – công nghệ kết nối và giám sát các thiết bị năng lượng sạch như thiết bị lọc nước biển, hệ thống điện năng lượng mặt trời và các hệ thống cung cấp nguồn năng lượng sạch khác. Trên thị trường nhiều doanh nghiệp theo dõi thông tin đơn lẻ từng điểm thì SolarBK theo dõi trên cả hai trục: theo ngành và theo tài khoản, điều khiển tích hợp toàn cụm.

Sở hữu cộng đồng khách hàng hộ gia đình lớn hàng đầu cả nước cũng làm nên cơ sở dữ liệu quan trọng giúp họ tiến sâu vào các giải pháp quản lý năng lượng. Không chỉ quản lý cho hệ thống riêng, họ cung cấp cho EVN quản lý hệ thống điện mặt trời để theo dõi sản lượng, công suất đầu ra và giám sát điều khiển. Ban đầu cho 18 điểm và chín hệ thống tại TP.HCM do EVN sở hữu, hiện lên 94 điểm và từng bước triển khai cho 250 điểm.

Tiên phong trên thị trường năng lượng sạch, theo ông Tuấn, một thị trường bền vững cần những giá trị công nghệ đến từ các giải pháp phần mềm làm trọng tâm cho tất cả trong xu hướng sử dụng năng lượng thông minh. “Các doanh nghiệp trong nhiều ngành nghề đang làm nhiều phần khác nhau thúc đẩy chuyển đổi số tại Việt Nam, SolarBK muốn tham gia vào chuyển đổi số của ngành năng lượng. Trước mắt cho doanh nghiệp, người dân có thể điều khiển sử dụng năng lượng thông minh hơn cho chính mình,” ông nói.

SolarBK cung cấp 340.336 kwphàng năm tạo ra tương đương *496.890.560 kwh điện xanhgiảm thải 420.270 tấn CO2 * trồng được 18.514.098 cây xanh.


SolarBK liên tục tìm giải pháp cạnh tranh trong tình hình thị trường, mà ông Tuấn mô tả, “bỗng một đêm thức dậy thấy có thêm năm ông đối thủ đứng trước mặt”. Những năm 2018-2020, thị trường đổ xô đi xây trang trại điện mặt trời, thì SolarBK tập trung phát triển SolarGATES – giải pháp tài chính sử dụng năng lượng sạch cho nhóm khách hàng công nghiệp – thương mại (BigK+) và hộ gia đình (BigK), đưa gói giải pháp đi kèm với các cam kết mức tiết kiệm và được bảo hiểm của bên thứ ba tính đến hàng kW.

Năm 2018, họ hợp tác với BIDV tung ra giải pháp bảo hiểm sản lượng điện và hỗ trợ dịch vụ tài chính; năm 2019 họ thuyết phục VPBank hợp tác triển khai gói tín dụng không tài sản bảo đảm cho khách hàng mua BigK. “Nếu như các gói điện đến mức giá như sử dụng máy lạnh hoặc đổ xăng cho xe Honda chạy ở thị trường nông thôn thì nơi nào cũng dùng được,” ông Tuấn lý giải và tự tin phân khúc điện mặt trời mái nhà ở Việt Nam mới chỉ bắt đầu, nếu tổng công suất toàn thị trường lên vài gigawatt thì quy mô lên vài tỉ đô. Giả sử trong năm năm tới thị trường lên 5GW, SolarBK tăng trưởng để giữ thị phần 10–15% xem như thành công.

Hai năm qua SolarBK cũng ghi nhận sự tăng vọt của khối khách hàng FDI, đặc biệt là nhóm khách hàng dệt may, da giày như Leading Star, Oasis, Jim Brother, Tong Hong, Thuận Phương… Mỗi đơn hàng của họ ký với khách hàng EU hiện nay thường kèm cam kết giảm phát thải CO2 đã giúp SolarBK mở rộng thêm nhiều dự án công suất từ 1MW.

Ông Irrahim Ozsoy, tổng giám đốc Oasis cho biết tiêu chí chọn nhà cung cấp là có kinh nghiệm và năng lực trong lĩnh vực điện mặt trời làm cơ sở hợp tác cho quá trình thực thi tăng trưởng bền vững. Hệ thống điện mặt trời áp mái đầu tiên công suất 233,28 kWp giúp nhà máy Oasis tự đáp ứng 54% nhu cầu điện và cắt giảm 190 tấn phát thải CO2. Theo Irrahim: “Mức đầu tư ban đầu hợp lý, quan trọng hơn giúp doanh nghiệp nâng cao uy tín và khẳng định thương hiệu xanh trong chuỗi cung ứng.”

Dấu ấn mới quan trọng với SolarBK, tháng 8.2021 lần đầu tiên ra mắt tấm pin PV-AgriSolar hướng đến thị trường năng lượng cho nông nghiệp – một lĩnh vực đầy tiềm năng tại Việt Nam. Họ đi cùng tên tuổi lớn: CP Group. Nhà máy lớn nhất Đông Nam Á của CP được xem là mô hình mẫu nằm tại Bình Phước gắn liền với dự án điện mặt trời áp mái do SolarBK thi công có công suất 4,5MW, sẽ khánh thành tháng 4.2022.

Solarbk1
Một trạm phát điện mặt trời SolarBK lắp đặt ở Trường Sa.
Agrisolar
Tấm pin PV-Agri chuyên dùng cho giải pháp năng lượng sạch trong nông nghiệp (AgriSolar)
 

Về sản xuất, SolarBK tiến tới những tấm pin hiệu suất cao hơn, đặc biệt dùng cho nông nghiệp là tiền đề giúp SolarBK đưa ra giải pháp nông nghiệp thông minh. “Chúng tôi sản xuất tấm pin mới, vừa tạo điện bên trên vừa chiếu sáng cho cây phát triển bên dưới chứ không phải làm dự án kín để bán lên lưới điện. Nếu làm tốt trong nhóm khách hàng nông nghiệp thuộc chuỗi SolarBK thì quy mô lên đến hàng trăm megawatt,” CEO SolarBK nói không giấu vẻ tự hào về một giải pháp AgriSolar thực sự thay thế các trang trại nhỏ.

Những năm gần đây SolarBK tái cấu trúc theo mô hình tập đoàn gồm các công ty thành viên SolarBK, SolarGATEs, SolarESCO và IREX với bốn mảng chính: sản xuất; phát triển công nghệ; đầu tư thương mại và hỗ trợ cộng đồng thúc đẩy tầm quan trọng của năng lượng sạch.

Ông Tuấn thú nhận “từng có lúc bị cám dỗ”, khi các cơ hội FiT1, FiT2 mở ra với mức giá đầy hấp dẫn, họ cũng thử tìm đất làm trang trại điện gió, điện mặt trời, cho nhân viên nghiên cứu nhưng “tính tới tính lui vẫn không ổn”. Một dự án năng lượng cần tầm nhìn ít nhất 20 năm mà lên kế hoạch trong vài tháng thì khó thể hoàn hảo hoặc rủi ro rất cao. “Khi cơ hội đến phải chạy thật nhanh để tận dụng chính sách hay cố gắng giữ tốc độ của riêng mình?” ông Tuấn tự vấn và cuối cùng bỏ cuộc đua nóng để tập trung vào khối khách hàng đã làm nên tên tuổi SolarBK hàng chục năm qua với phương châm: “Điện mặt trời cho triệu mái nhà”.

Đúc kết trong 15 năm của SolarBK, theo ông Tuấn, là quá trình tự khai phá, tự thử nghiệm và tìm cách chứng minh mình làm được, không chỉ cho riêng SolarBK mà tạo lập cho thị trường. Người điều hành SolarBK nói “lúc thị trường hình thành có khi mình cũng mệt quá rồi, không được hưởng lợi gì nhưng phải chấp nhận, vì khi bắt đầu mình tin nó sẽ xảy ra!”.

Với những thành quả đạt được, ông Tuấn tự tin cho dù chính sách và thị trường biến động ra sao, tương lai điện mặt trời áp mái vẫn tiếp tục được khuyến khích vì đó là giải pháp hiệu quả, vừa giảm tiêu thụ tại chỗ và giảm tổn thất kinh doanh vì đúng bản chất “dùng và tiết kiệm năng lượng chứ không phải chỉ đầu tư để bán lên lưới điện”.

pin
Thi công công trình điện áp mái cho các nhà máy sản xuất. Ảnh SolarBK
 

Câu chuyện SolarBK là câu chuyện của chuỗi giá trị hoàn thiện, đại diện cho ngành. Ông Tuấn tự bạch, “nếu tách ra từng mảng chúng tôi chẳng ‘đấu’ được với ai”: về sản xuất chỉ vài trăm megawatt không thể bằng các công ty Trung Quốc vài gigawatt. Làm thương mại thì dân kỹ thuật cũng không bằng, nhưng con đường nhất quán của SolarBK là từng bước xây dựng chuỗi giá trị từ nghiên cứu – phát triển – sản xuất đến đưa ra giải pháp và dịch vụ.

“Làm khoa học thì luôn phải thử và sai, sai và thử liên tục,” ông Tuấn nói. Từ tám năm trước SolarBK đã bắt đầu “trả học phí” cho việc viết những phần mềm quản lý giám sát năng lượng theo cách một công ty phần mềm thực sự hiểu ngành công nghiệp. Ông Tuấn nói “thử và sai nhiều thứ để thuật toán ngày càng thông minh và đặc biệt hơn đó mới là cốt lõi để hoàn thiện chuỗi giá trị của SolarBK”.

“Chúng tôi không thể thay đổi ‘chất’ của SolarBK, vì sẽ không còn là mình, không còn câu chuyện về giá trị Việt Nam khi mình bắt đầu công ty này vì điều gì,” ông Tuấn nói. Câu chuyện tiếp theo của SolarBK là phát huy chuỗi giá trị: Tập trung vào nền tảng quản lý năng lượng ứng dụng công nghệ mới IoT, blockchain, AI là tương lai của thị trường năng lượng để có dịch vụ tốt hơn.

“Tôi tin khi thị trường điện cạnh tranh ra đời thì các nền tảng được phát huy, không đơn thuần là giám sát quản lý mà khai thác dữ liệu thông minh, từ dự án, giao dịch, nhà cung cấp, khách hàng, người sử dụng trên một “sàn năng lượng” mà nền tảng của nó là nhờ sự giàu có của dữ liệu và hiểu biết sự vận hành của thị trường,” ông Tuấn nói.

Nguồn: https://forbes.vn/